Hiện nay, bên cạnh những thắc mắc trong lĩnh vực thuế như cách tính thuế thu nhập cá nhân, mẫu phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, cách khấu trừ thuế GTGT đầu vào, việc cho thuê nhà kê khai thuế thế nào cũng là câu hỏi thường gặp. Hoạt động cho thuê nhà đất là một hình thức đầu tư bùng nổ trong nhiều năm trở lại đây bao gồm các lĩnh vực như nhà ở, nhà kinh doanh và nhà xưởng. Để xác định có nằm trong trường hợp phải kê khai thuế và nộp thuế cho thuê nhà hay không, mời quý bạn đọc theo dõi nội dung bài viết dưới đây.
1. Trách nhiệm kê khai thuế đối với thu nhập từ cho thuê nhà
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 92/2015/TT-BTC : Cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế là cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với cá nhân; cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với tổ chức không phải là tổ chức kinh tế (cơ quan Nhà nước, tổ chức Đoàn thể, Hiệp hội, tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán, …); cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mà trong hợp đồng không có thỏa thuận bên thuê là người nộp thuế…..
Cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mà trong hợp đồng thuê có thỏa thuận bên đi thuê nộp thuế thay thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm khấu trừ thuế, khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ vào quy định trích dẫn này, cá nhân không cần phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế nếu trên hợp đồng cho thuê nhà có thỏa thuận điều khoản về việc công ty thuê có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê.
2. Các khoản thuế phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC, doanh thu từ hoạt động cho thuê nhà đạt mức từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải kê khai thuế và nộp thuế đầy đủ bao gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể:
– Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%.
– Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%.
3. Cách tính thuế phải nộp của cá nhân cho thuê nhà
3.1. Thuế môn bài (lệ phí môn bài)
Trường hợp 1: Được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (Căn cứ Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC hướng dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 302/2016/TT-BTC).
Trường hợp 2: Nếu không thuộc trường hợp trên thì mức lệ phí môn bài được xác định theo doanh thu cho thuê. Cụ thể:
– Mức doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: Mức lệ phí môn bài phải đóng là 1 triệu đồng/năm;
– Mức doanh thu từ 300 đến 500 triệu đồng/năm: Mức đóng 500.000 đồng/năm;
– Doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/năm: lệ phí môn bài phải đóng là 300.000 đồng/năm.
Đối với năm đầu tiên: Cá nhân nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.
3.2. Thuế giá trị gia tăng
Số thuế GTGT cần nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT 5%
Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác không bao gồm tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận được ghi tại hợp đồng thuê nhà.
3 điều cần biết khi lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn điện tử
Cách tính thuế đối với cá nhân làm đại lý xổ số, bảo hiểm
3.3. Thuế thu nhập cá nhân
Số thuế TNCN cần nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN 5%
Với: Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng và các khoản thu khác gồm tiền phạt, tiền bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận được ghi rõ tại hợp đồng thuê nhà.